Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Theo Nghị quyết số 1610/QĐ – TTg, ngày 16/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Nội dung của Chương trình gồm những phong trào cụ thể là : Xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến; xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng, khu dân cư, ấp văn hóa; xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Qua đó, có thể gắn kết xây dựng đời sống văn hóa nông thôn với thực hiện các nội dung của Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cụ thể xây dựng “Người tốt, việc tốt” ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới có đủ tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa, có hiểu biết về nội dung cơ bản xây dựng nông thôn mới, tin tưởng vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, tự giác tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới; có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm : Xây dựng gia đình phát triển bền vững, thực sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng gia đình văn hóa thật sự trở thành các đơn vị sản xuất, kinh doanh năng động, phát triển kinh tế thu hút lao động, việc làm, làm giàu cho gia đình mình và đóng góp cho xã hội. Xây dựng nông thôn mới, bắt đầu từ xây dựng làng, khu dân cư, ấp đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, đời sống văn hóa vật chất của người dân bao gồm : Nhà ở đạt chuẩn, sử dụng nước sạch; điện lưới quốc gia; tỷ lệ đường trục ấp, xóm được cứng hóa, thu nhập bình quân, nhà văn hóa ấp đạt chuẩn … xây dựng khu dân cư, ấp văn hóa phát triển bền vững, tạo nên môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, thực hiện dân chủ, kỷ cương pháp luật, tình làng nghĩa xóm được củng cố, giúp đỡ lẫn nhau; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tự quản cộng đồng của người dân … Đây là những nhân tố tác động ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xây dựng nông thôn mới.
Chú thích ảnh: Ấp văn hóa ấp Tư xã Châu Khánh, môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp
Xây dựng “ Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng “Người tốt, việc tốt”, xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa. Hướng tới các mục tiêu phát triển văn hóa, vì sự phát triển nông thôn mới, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa xây dựng nông thôn mới, trước hết cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới với nhiều nội dung, phương thức sinh động, hiệu quả. Cần tuyên truyền để hầu hết các hộ gia đình hiểu rõ Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, qua đó nâng cao nhận thức xây dựng nông thôn mới chính là vì lợi ích chung của xã, ấp và từng hộ gia đình. Từ nhận thức đó, người dân sẽ đồng thuận, tin tưởng và tự giác tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết : “ … Dân rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng : Những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”. Phát triển văn hóa nông thôn mới là văn hóa phát triển nông nghiệp, thông qua con người có hiểu biết về khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp, biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi … Hiểu biết về thị trường, tổ chức sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa.
Phát triển văn hóa xây dựng nông thôn mới còn là phát triển văn hóa quản lý, tổ chức xây dựng nông thôn mới, cần thực hiện đúng phương châm : “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các hoạt động xây dựng nông thôn mới tránh không để xảy ra tình trạng, lạm thu, lãnh phí, sử dụng sai mục đích, tham nhũng, nợ động kinh phí xây dựng nông thôn mới, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng trang trại chăn nuôi; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp … Cùng với phát triển văn hóa sản xuất nông nghiệp công tác quản lý văn hóa nông thôn cần được coi trọng, đảm bảo môi trường hoạt động văn hóa nông thôn lành mạnh, đúng pháp luật, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đi đôi với việc tiếp thu có chọn lọc các sản phẩm văn hóa hội nhập quốc tế, làm phong phú đời sống văn hóa nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Bài và ảnh: Sóc Ca.